Làm sao để cân bằng giữa công việc và cuộc sống? (Work-life balance)

" Năm nay em 20 tuổi, em mong muốn tìm công việc lương cao nhưng vẫn phải có thời gian để "balance" cuộc sống"

TƯ DUY THÀNH CÔNG

Motphantram

7/7/20247 min read

Gần đây, cụm từ "work-life balance" đang rất "hot" trong giới trẻ. Nhiều bạn hỏi tôi: "Làm sao để cân bằng giữa công việc và cuộc sống? Liệu sống chết cắm đầu vào công việc để đổi lấy tiền bạc nhưng không có được hạnh phúc thì có xứng đáng không?"

Thật ra vấn đề này không mới, nhưng điều khiến tôi ngạc nhiên là các bạn đặt câu hỏi này còn rất trẻ, cá biệt có những bạn chỉ từ 19-25 tuổi. Với góc nhìn và trải nghiệm cá nhân của tôi, ở độ tuổi này, cuộc sống của các bạn thường đã lệch nhiều về phía "life" hơn là "work". Các bạn gần như chưa cống hiến được nhiều cho công việc. Đáng lý ra, câu hỏi của các bạn phải là: "Anh ơi, em muốn cống hiến hết mình cho công việc mà em yêu thích, muốn cháy hết mình và bứt phá giới hạn của bản thân, em cần phải làm sao?" Tại sao các bạn lại mong muốn "balance" quá sớm như vậy? Hay các bạn nghĩ rằng "tôi đã quá mệt mỏi vì đã dành ra 12 năm học tập căng thẳng, thêm 4 năm đại học vất vả, và bây giờ tôi muốn cân bằng"?

Ngày xưa, do kỳ vọng quá mức từ bố mẹ, khi thi đỗ đại học, tôi cũng có suy nghĩ tương tự, tưởng rằng mình vừa làm được kỳ tích gì to lớn lắm. Xong 4 năm đại học với tấm bằng của một trường khá có tiếng tại TPHCM, tôi bước chân ra đời với suy nghĩ mình là cái gì đó rất to, rất nguy hiểm. Và ngay lập tức, cuộc đời tát thẳng tôi vài cái tát đau điếng. Tôi cảm thấy shock trước thực tế rằng kỹ năng mềm và kể cả kiến thức cứng mà tôi từng tự hào, chẳng giúp ích gì được trong công việc của mình cả. Vì vậy, tôi muốn kéo các bạn trở lại mặt đất, đừng "ảo tưởng sức mạnh" như tôi khi xưa. Xong 12 năm học tập hoặc tốt nghiệp đại học chỉ giúp mình bắt đầu từ con số 0 (thay vì số âm) mà thôi, và thành công thì ở con số 1 triệu, 5 triệu thậm chí 10 triệu.

Quay lại câu hỏi: "Liệu sống chết cắm đầu vào công việc để đánh đổi lại tiền bạc nhưng không có được hạnh phúc thì có xứng đáng không?" Tại sao bạn phải chọn một trong hai - giữa công việc, tiền bạc và hạnh phúc? Ai quy định rằng nếu ta làm việc và kiếm được tiền thì sẽ không có được hạnh phúc, và ngược lại?

Việc bạn lựa chọn giữa tiền bạc và hạnh phúc cũng giống như bạn đang chọn tay trái hay tay phải của mình. Tại sao không phải cả hai mà phải tự đưa mình vào sự chọn lựa?

Vấn đề ở đây là tư duy của bạn, cách đặt câu hỏi của bạn đã có vấn đề. Nếu bạn tiếp cận vấn đề đúng đắn, hiểu rằng: "Tôi hoàn toàn có thể thành công mà vẫn hạnh phúc" thì câu hỏi của bạn sẽ là: "Vậy làm sao tôi có thể vừa cống hiến cho công việc từ đó thành công về mặt tài chính nhưng đồng thời vẫn hạnh phúc?" Và theo tôi, câu hỏi này hoàn toàn có thể trả lời được và hoàn toàn khả thi. Vậy ta có thể có được điều đó bằng cách nào?

Đầu tiên, bạn cần nhận thức rõ "hạnh phúc" theo ý bạn là gì. Ví dụ:

  • Có thời gian dành cho ba mẹ.

  • Có thời gian dành cho người yêu.

  • Được đi du lịch thoả thích.

  • Có thời gian cho sở thích cá nhân.

Tôi biết chắc chắn sẽ có một số bạn đồng tình với tôi về những ý kiến ở trên, nhưng thực sự là từng ấy là chưa đủ rõ ràng để bạn biết được mình muốn gì. Bạn cần làm cho nó rõ ràng đến mức có thể hình dung ra nó ngay trước mặt bạn. Ví dụ như:

  • Thay vì "Có thời gian dành cho ba mẹ" thì thay bằng: mỗi tuần dẫn ba mẹ đi ăn một lần ở nhà hàng. Và khi ba mẹ có vấn đề về sức khoẻ sẽ được đi khám tại bệnh viện hàng đầu TPHCM, đặt lịch trước và đến được khám theo tiêu chuẩn riêng biệt, không chen lấn chờ đợi.

  • Có thời gian dành cho người yêu mỗi tuần 2-3 lần, mỗi 2 tháng đi du lịch 1 lần hoặc các dịp lễ đi chơi xa cùng nhau.

  • Được đi du lịch mỗi năm 3 nước khác nhau: năm nay sẽ là Thái Lan, Singapore, Malaysia. (Có thể kết hợp đi với ba mẹ hoặc người yêu, hoặc cả hai).

Sau khi đã ghi rõ ràng ra rồi, bạn cần đặt nó vào lịch của mình. Cần biết cụ thể mình sẽ thực hiện nó vào khi nào, ngày nào tháng nào, với ai. Càng chi tiết, càng cụ thể thì bạn càng dễ đạt được.

Sau khi đặt những yếu tố được xem như "hạnh phúc" (chữ màu đỏ và màu nâu) vào lịch, bạn cần xem xét yếu tố "work" (chữ màu xanh) để cân bằng. Như bạn đã biết, cuộc đời này không có gì là miễn phí. Muốn có được những giây phút bên người yêu và gia đình, muốn tận hưởng sở thích cá nhân (du lịch), bạn cần đánh đổi bằng những giờ phút lao động hết sức (chữ xanh). Nhưng lúc này, tôi tin chắc rằng việc tập trung 100-200% vào công việc sẽ trở nên dễ dàng và có động lực hơn rất nhiều, vì bạn biết rằng phần thưởng của mình sẽ là gì, rất cụ thể và rõ ràng trên lịch.

Bạn cần chú ý dòng chữ: "Bằng mọi giá." Ở đây, "bằng mọi giá" nghĩa là không cần biết lý do thế nào, bạn cần phải làm xong, thậm chí vượt KPI công việc trước deadline. Nếu không thể làm được, nghĩa là cán cân giữa "work" và "life" không còn cân bằng nữa. Do năng lực của bạn quá thấp, giá trị bạn tạo ra cho xã hội ít, bạn không xứng đáng nhận được tiêu chuẩn sống do mình đặt ra. Bạn cần thực tế điều chỉnh lại tiêu chuẩn của mình trong ngắn hạn. Thay vì 1 tháng du lịch 1 lần thì thay bằng 3 tháng, vừa làm vừa cố gắng nâng cao kỹ năng, tư duy của mình bằng những khoá học, những quyển sách, clip bổ ích. Khi kỹ năng tăng, giá trị tạo ra nhiều hơn, xã hội sẽ công nhận bạn bằng những giá trị như địa vị, tiền bạc. Đến lúc đó, bạn nâng cao tiêu chuẩn sống, tiêu chuẩn hạnh phúc lên một chút cũng chưa muộn.

Để lại ý kiến của bạn về bài viết này

Tôi rất vui và cũng rất welcome những ý kiến đóng góp của bạn để bài viết được đa chiều hơn.

My phone

+84888111100

My email

daoxuanloc.buh@gmail.com