Tư duy tăng trưởng
Luôn có 2 dạng tư duy : tư duy cố định và tư duy tăng trưởng. Bạn thuộc dạng nào?
motphantram


Tư duy cố định (fixed mindset) và tư duy tăng trưởng (growth mindset)
Lần gần nhất bạn thất bại trong một việc là từ khi nào? Đó có thể là một kỳ thi, một dự án, một cuộc tranh tài hay đơn giản là một vấn đề cá nhân nào đó. Khi ấy, bạn có nghĩ rằng mình có thể làm tốt hơn lần sau, hay bạn mất nhuệ khí và cho rằng mình không thể tiến bộ được?
Carol S. Dweck, giáo sư Đại Học Standford, đã nghiên cứu về sức mạnh của tư duy trong hàng thập kỷ qua. Trong nghiên cứu nhằm tìm hiểu xem sinh viên đón nhận thất bại như thế nào, bà nhận thấy rằng có người đã vượt qua và trở nên xuất sắc, nhưng những người khác thì không. Điểm khác biệt giữa hai nhóm này nằm ở mô thức tư duy (mindset) của họ. Theo Carol, con người có hai mô thức tư duy : cố định (fixed) và tăng trưởng (growth)
Những người có fixed mindset tin rằng những thứ như sáng tạo, thông minh hay tính cách là thuộc về bản chất và họ không thể làm gì khác để thay đổi. Vì thế, họ cố gắng tránh các thử thách, họ bỏ cuộc dễ dàng khi gặp khó khăn trở ngại và xem nỗ lực là những bài tập không có kết quả. Họ không tin vào những phản hồi mang tính xây dựng và nghiêm trọng hơn, họ cảm thấy bị đe doạ bởi thành công của những người khác.
Ngược lại, những người có growth mindset tin rằng sự sáng tạo, sự thông minh và tính cách là những thứ có thể được phát triển qua thời gian và luôn luôn có dư địa để cải thiện và phát triển. Họ sẵn sàng đón nhận thách thức, vượt qua trở ngại và tin rằng luôn có con đường đi đến sự hoàn thiện. Họ xem thông tin phản hồi là điều hữu ích để cải thiện. Họ cảm thấy được truyền cảm hứng từ thành công của người khác và học hỏi từ những người như thế.
Người có fixed mindset thường tìm kiếm sự chấp thuận, người có growth mindset luôn tìm kiếm và tận dụng mọi cơ hội để học hỏi và phát triển.
Vậy, bạn thuộc nhóm nào? Tư duy của bạn là cố định hay tăng trưởng? Tin vui là, mô thức tư duy có thể thay đổi tuỳ theo môi trường hay hoàn cảnh mà chúng ta ở vào.
CEO Graybar - Kathy Mazzarelli, bắt đầu sự nghiệp từ vị trí nhân viên chăm sóc khách hàng, nhân viên kinh doanh và từng kinh qua công việc tại các phòng ban như nhân sự, kế toán, hoạch định chiến lược, vận hành, quản trị sản phẩm và nhiều lĩnh vực khác. Bà biết tất tần tật mọi thứ thuộc về công ty mình từ trong ra ngoài, và một trong những lý do bà trở thành CEO là bởi vì bà là người siêu học hỏi liên tục. Theo lời bà, "Lãnh đạo phải là người có tư duy tăng trưởng cao độ và lấy tinh thần học hỏi liên tục, không ngừng sáng tạo và khám phá cái mới làm nền tảng. Họ phải biết cách nêu nhiều câu hỏi khác nhau và phân tích các vấn đề đến tận cùng gốc rễ hơn là chỉ dựa vào kinh nghiệm quá khứ cùng những giả thiết cố hữu để ra quyết định".
Thích ứng và linh hoạt
Ở mặt sau mọi chai dầu gội đầu, bạn sẽ thấy các hình ảnh hướng dẫn sử dụng rất rõ ràng: gội, xả và lặp lại. Đây chính là những gì mà các nhà lãnh đạo luôn được khuyến khích áp dụng thường xuyên. Một công thức chung được áp dụng như sau:
Học từ trường trung học, đại học.
Áp dụng vào công việc, thăng tiến
Hướng dẫn nhân viên làm y những gì mình đã làm trước đó để thành công
Áp dụng tiếp vào những công ty khác sau khi chuyển việc
Đây chính là kiểu lãnh đạo theo khuôn mẫu. Họ luôn tư duy rằng : "Tôi thành công được như ngày hôm nay là chính nhờ những kiến thức, kinh nghiệm đó, các bạn chỉ cần làm y hệt là được". Nhưng thực tế không phải như vậy. Những kiến thức, kinh nghiệm đó đúng thật là giúp họ thành công nhưng là thành công trong bối cảnh đó, thời điểm đó, với những con người đó, và môi trường đó. Còn bây giờ, mọi thứ đã thay đổi một cách chóng mặt, theo từng năm. Tất cả những gì từng có tác dụng trong quá khứ không còn tác dụng trong tương lai.
Tuy nhiên, đừng lầm lẫn giữa "đơn thuần đối phó" và "thay đổi , thích ứng". Đối phó giống như bạn cố ngoi đầu lên khỏi mặt nước, nhưng vẫn đứng yên tại chỗ , không di chuyển. Để thích ứng, bạn cần nhiều hơn thế, vừa phải ngoi đầu lên khỏi mặt nước nhằm tìm kiếm sự sống trước mắt, trong ngắn hạn, vừa phải quan sát và xem xét hướng đi nào tiếp theo để giải quyết tình trạng hỗn độn nguy cấp hiện tại. Để làm được như vậy, bạn phải có lòng khiêm tốn và có khả năng chịu tổn thương để thừa nhận rằng bạn không phải là người thông minh nhất, rằng bạn yêu cầu giúp đỡ vì có những điều bạn không biết. Ngoài ra, bạn phải có khả năng tập hợp quanh mình những người tài giỏi hơn bạn.


Để lại ý kiến của bạn về bài viết này
Tôi rất vui và cũng rất welcome những ý kiến đóng góp của bạn để bài viết được đa chiều hơn.
My phone
+84888111100
My email
daoxuanloc.buh@gmail.com