Tư Duy Bếp Trưởng
Người lãnh đạo, cũng như người bếp trưởng xuất sắc, phải biết kết hợp các nguyên liệu mình đang có để ra một món ăn tuyệt vời nhất
motphantram
Thế nào là "tư duy bếp trưởng"
Bất cứ vị bếp trưởng xuất sắc nào cũng sẽ nói với bạn rằng điều làm cho một món ăn trở nên tuyệt vời chính là sự cân bằng các thành phần tạo nên nó. Quá ít hay quá nhiều một thành phần nào đó đều có thể làm mất đi hương vị và sự tinh tế của món ăn. Vì thế, tạo ra một món ăn hoàn hảo và cân bằng hương vị là cả một nghệ thuật. Đó thực sự là khoa học ẩm thực. Các nhà lãnh đạo tương lai vì thế phải là những đầu bếp tài giỏi bậc nhất, nghĩa là họ phải có mô thức tư duy của một bếp trưởng.
Qua các cuộc phỏng vấn với các CEO, tôi nhận ra rằng họ thường xuyên nói về sự cân bằng bắt buộc phải có giữa mặt con người và mặt công nghệ trong công việc. Nói cách khác, các nhà lãnh đạo phải là những bếp trưởng biết cách cân bằng hài hoà hai thành phần thiết yếu nhất trong kinh doanh mà tôi gọi là HumanIT (chơi chữ - Humanity)
HumanIT = Humanity + Technology
Humanity (Con người)
Tính nhân văn trong khía cạnh con người của công việc trước tiên là về những thứ như mục đích và sự quan tâm chăm sóc nhân viên, những người kề vai sát cánh cùng bạn hằng ngày. Những nội dung khác bạn có thể làm là xây dựng các mối quan hệ, kết bạn trong công việc, chia sẻ trải nghiệm nhân viên hay tạo sự an toàn về mặt tâm lý cho họ. Mặt con người của công việc là những thứ như ý tưởng, mối quan hệ, khách hàng trung thành, các nhà lãnh đạo và tác động đối với cộng đồng. Mặt con người của công việc cũng là lý do cao nhất tại sao chúng ta làm việc cho một tổ chức mà chúng ta là một phần không thể thiếu của nó.
Technology (Công nghệ)
Mặt công nghệ của công việc thì thiên về những thứ như công cụ làm việc, phần mềm, phần cứng, các ứng dụng, thiết bị, AI, ... mà chúng ta sử dụng để hoàn thành công việc của mình. Mặt công nghệ của công việc liên quan đến những thứ như hiệu quả, năng suất, tốc độ và thường tốn kém chi phí và là nơi các quyết định diễn ra.
Kết hợp giữa con người và công nghệ như thế nào?
"Nhà lãnh đạo tương lai phải đủ thông minh và nhạy bén để cân bằng các thao tác tự động hoá và thao tác của con người. Họ phải quyết định phần nào cần tự động hoá để giải phóng con người và giúp nhân viên dành thời gian cho những hoạt động tạo ra giá trị cao hơn. Ngoài ra, họ cũng phải quyết định hoạt động kinh doanh nào sẽ tiếp tục có lợi dưới góc độ con người"
Nếu chỉ thuần tuý lấy công nghệ làm trọng mà bỏ qua yếu tố con người, bạn sẽ tạo ra một tổ chức mà nhân viên không muốn làm việc và khách hàng cũng không muốn tương tác hay giao dịch với bạn. Ngược lại, nếu chỉ dựa vào yếu tố con người mà không tận dụng công nghệ, bạn sẽ có một tổ chức chậm chạp, quyết định yếu kém và không đạt hiệu năng lẽ ra phải có. Nhưng không có giải pháp nào trong hai phương án trên tối ưu cả. Nhà lãnh đạo tốt có trách nhiệm tìm ra trạng thái cân bằng tốt nhất cho tổ chức của mình, vốn vừa là nghệ thuật vừa là khoa học. Nhà lãnh đạo phải nhớ rằng công nghệ chỉ là công cụ và sử dụng công cụ ấy như thế nào mới là vấn đề. Điều quan trọng là hãy xem công nghệ là đối tác của con người, chứ không phải là sự thay thế cho con người. Đó đơn thuần là sự lựa chọn. Công nghệ không thể kiểm soát được bạn, mà chính bạn kiểm soát nó.
Là nhà lãnh đạo, bạn phải đón nhận công nghệ đồng thời duy trì trạng thái cân bằng với tôn chỉ tổ chức của mình, thực lòng quan tâm chăm sóc nhân viên của bạn và những người mà bạn may mắn được phục vụ. Hãy nghĩ như một bếp trưởng: đội của bạn và tổ chức của bạn là món ăn và bạn luôn luôn muốn nó trông thật hấp dẫn và ngon tuyệt, có nghĩa là bạn phải đảm bảo rằng mọi thành phần trong đó đều cân bằng ở mức tinh tế nhất.
Đón nhận công nghệ
"Nhà lãnh đạo nào hiểu cách ứng dụng công nghệ và những thứ liên quan đến nó, như dữ liệu và các phép phân tích, sẽ nắm trong tay lợi thế thực sự ở tương lai. Điều này đã là sự thật hôm nay nhưng nó sẽ trở thành yêu cầu tuyệt đối trong một vài năm tới. Là nhà lãnh đạo tương lai, bạn phải đón nhận và sử dụng công nghệ, đừng ngoảnh mặt với nó". Mike Capone - CEO của Qlik.
Hàng chục trong số các CEO tôi phỏng vấn cho quyển sách này đều nhấn mạnh rằng e sợ công nghệ hay nghi ngờ và ngập ngừng trước nó sẽ không đưa bạn và tổ chức của bạn đến đâu cả. Tuy nhiên, cũng có nhiều nhà lãnh đạo dựa vào công nghệ quá nhiều để cắt giảm chi phí, cải thiện năng suất và tăng cường hiệu năng hoạt động, nhưng phải trả bằng cái giá là tổ chức của họ trở nên thiếu tính người hơn. Điều thú vị là, chúng tôi không nghe thấy nhà lãnh đạo nào làm cho tổ chức của họ có tính người hơn mà phải trả giá bằng sự suy giảm trình độ công nghệ. Trên thực tế, chúng ta có thể sử dụng công nghệ để làm cho tổ chức của chúng ta mang tính người hơn. Đây là điểm cần nhấn mạnh bởi vì nhiều tổ chức chỉ sử dụng công nghệ đơn giản vì chỉ để cho "có" với người ta.
Là lãnh đạo, bạn phải hiểu được khả năng và hạn chế của cả con người lẫn công nghệ. Tương lai không phải là cuộc đối đầu giữa công nghệ và con người, mà là máy móc làm việc với con người để giải quyết các vấn đề của cuộc sống. Vì thế, bạn phải biết rõ con người và công nghệ có thể làm gì và không thể làm gì. Chúng ta đã bắt đầu nhìn thấy công nghệ được tích hợp nhiều hơn vào các mặt đời sống và công việc của chúng ta, từ những hệ thống máy móc sản xuất tự động, trợ lý thông minh trong văn phòng hay tại nhà, hay những con bot có khả năng tự động hoá các quy trình lặp đi lặp lại. Những ứng dụng như thế sẽ ngày càng tăng lên trong thập niên tới và ta có thể hiểu được tại sao công nghệ lại làm nhiều người sợ hãi, căng thẳng và giận dữ. Vì thế, cân bằng trong việc giữ tính người của tổ chức và dùng công nghệ để giúp tổ chức hoạt động hiệu quả hơn, đạt năng suất cao hơn là yêu cầu bắt buộc đối với mọi nhà lãnh đạo.
Một ví dụ về ứng dụng công nghệ để giúp đỡ con người
Hãng Unilever có 160,000 nhân viên toàn cầu và gần đây họ bắt đầu sử dụng trí tuệ nhân tạo để hỗ trợ công việc tuyển dụng. Mỗi năm, công ty này tuyển mới 30,000 người và họ phải xử lý khoảng 2,000,000 hồ sơ ứng viên. Trước đây việc này thường được klamf bằng sức người và bạn có thể tưởng tượng ra lượng thời gian và nguồn lực khổng lồ họ phải tiêu tốn. Hiện nay, mỗi ứng viên tiềm năng nộp hồ sơ vào Unilever được yêu cầu chơi một vài trò chơi trên điện thoại hay máy tính của họ. Thực ra những trò chơi này được thiết kế để thu thập thông tin của người chơi về tư duy logic, khả năng quản trị rủi ro, tư duy phản biện và rất nhiều đánh giá khác đại loại như thế. Sau đó, những thông tin này được đem so sánh với yêu cầu hay tiêu chuẩn công việc mà họ ứng tuyển xem có phù hợp không. Việc này giúp tiết kiệm 70,000 giờ làm việc của nhân viên tuyển dụng.
Bước thứ hai, họ yêu cầu ứng viên gửi một video tự giới thiệu trong 30 phút. Công nghệ sẽ giúp họ đánh giá khả năng biểu đạt ngôn ngữ tự nhiên của ứng viên mà còn xem xét cả ngôn ngữ cử chỉ của họ. Một lần nữa, tất cả các dữ liệu này được sử dụng để xem một ứng viên nào đó có thực sự thích hợp với vị trí mà họ ứng tuyển hay không, nếu phù hợp thì sẽ chuyển sang bước cuối.
Bước cuối cùng, bước này do con người thực hiện, chọn ra ứng viên tốt nhất từ những ứng viên đã được sàng lọc từ 2,000,000 hồ sơ ứng viên apply.
Bạn nghĩ đây là tất cả những gì mà Unilever ứng dụng công nghệ vào quy trình tuyển dụng? Sai rồi, mọi thứ chưa dừng lại ở đây.
Sau khi nhân viên mới vào công ty, họ được trao cho đường link vào Unabot, một chatbot đóng vai trò như một đồng nghiệp kỹ thuật số. Mọi nhân viên đều có thể hỏi chatbot về chỗ đậu xe còn trống, thời gian biểu xe đưa đón nhân viên, thông tin về lương bổng, phúc lợi và cả kỳ đánh giá nhân viên và xem xét lương lần kế tiếp của mình. Có người nói rằng hệ thống này lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Nhận xét ấy không sai, nhưng thực ra có sự cân bằng rất tinh tế ở đây, và mục tiêu tận cùng là luôn luôn dùng công nghệ để giúp tổ chức trở nên có tính "người hơn".
Ví dụ điển hình cho việc công nghệ giúp đỡ con người thể hiện ở chương trình FLEX Experiences, cũng là của công ty Unilever. Đây là một nền tảng sử dụng trí tuệ nhân tạo cho phép nhân viên tìm kiếm các cơ hội nghề nghiệp nội bộ theo thời gian thực. Các cơ hội này được chủ động đề nghị với nhân viên dựa vào hồ sơ năng lực của họ bao gồm các thế mạnh, kỹ năng và kinh nghiệm, đồng thời xem xét luôn cả kỳ vọng và mục tiêu tương lai của họ. Nhờ công nghệ, Unilever đặt quyền tự chọn phát triển nghề nghiệp vào từng tay nhân viên của họ.
Mandy Ginsberg - CEO của Match Group , chia sẻ : " Triết lý của tôi là bạn phải yêu quý và trân trọng những người bạn làm việc cùng. Bạn phải thực lòng muốn nhìn thấy họ thành công. Tôi cho rằng con người trong mọi tổ chức đều cần biết rằng có ai đó đang quan tâm họ và giúp họ phát triển sự nghiệp, đó là nền tảng để tạo ra lòng trung thành. Đối với tôi, lãnh đạo là tìm ra những con người tài năng, xây dựng được mối quan hệ công việc thực sự tuyệt vời với họ và biết cách động viên, truyền cảm hứng cho họ. Về phần mình, họ sẽ tiếp tục tạo ra những kết quả bất ngờ cho tổ chức của bạn."
Phát triển mô thức tư duy "bếp trưởng" như thế nào?
Các bếp trường cân bằng các thành phần trong món ăn như thế nào? Cơ bản họ làm hai việc:
Thứ nhất, họ thường xuyên nếm thử. Nếu quan sát một bếp trưởng, bạn sẽ thấy họ thường xuyên nếm thử mọi thứ họ đang chế biến xem liệu nó có quá nhạt, quá cay, quá ngọt hay cần được thêm vào một ít thứ gì đó hay không? Họ cũng quan tâm đến những điều người khác nói về món ăn của họ. Thực khách phản ánh thế nào? Họ có ăn hết món họ đã gọi? Món ấy được mọi người bàn tán rất nhiều? Đó có phải là món bán chạy nhất không? Tất cả những thông tin này đều rất quan trọng đối với mọi bếp trưởng.
Là lãnh đạo, bạn hãy thường xuyên "nếm thử" để hiểu rằng con người là quan trọng nhất, không có ngoại lệ nào cả! Điều này có nghĩa là bạn phải thường xuyên để ý đến những gì đã xảy ra bên trong tổ chức của mình và luôn tìm cách để tăng cường sức mạnh nguồn nhân lực của bạn bằng cách sử dụng công nghệ (chứ không phải dùng công nghệ thay thế họ). Nếu bạn nhìn thấy nhân viên của mình đang vật vã với thứ công việc lặp đi lặp lại làm ruỗng cả thể chất lẫn tâm hồn, bạn nên thêm vào một chút "công nghệ" để cải thiện tình hình. Ngược lại, nếu bạn thấy một lĩnh vực nào đó bị tập trung quá mức về công nghệ và mất đi một vài thành tố con người, bạn cần thêm các thành tố ấy vào. Elon Musk, gần đây đã nói rằng ông lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ và tự động hoá trong các nhà máy của mình, dẫn tới cái mà ông gọi là "một hệ thống điên khùng, phức tạp các dây chuyền tự động". Việc kiểm soát chất lượng cũng đi xuống nghiêm trọng và khách hàng bắt đầu than phiền vì nhận được những chiếc xe mới với thiết bị hỏng hóc. Hậu quả là dây chuyền sản xuất của họ bị tháo dỡ và tái xây dựng lại với sự nhấn mạnh nhân tố con người, lúc này được hỗ trợ bởi công nghệ.
Là lãnh đạo, bạn chỉ có thể nếm được những món ăn nếu bạn ở trong bếp với đội của bạn. Bạn không thể ngồi trong văn phòng thật xa mọi người và nhận xét rằng món này ngon món kia dở. Bạn phải ở trong bếp với tạp dề trước ngực và cái muỗng trong tay cùng với họ.
Thứ hai, bạn phải chú ý đến những phản hồi bạn nhận được từ những người xung quanh. Họ có thể là khách hàng, nhân viên hay đối tác của bạn. Ví dụ, trong trường hợp của Elon Musk, ông thấy khách hàng không hài lòng với những chiếc xe ông vừa xuất xưởng và ông quyết định phải thay đổi. Trên thực tế, Elon thường xuyên lắng nghe nhân viên và khách hàng để có những thay đổi phù hợp. Mới đây ông tung ra tính năng "Dog Mode" từ một đề nghị của khách hàng rằng nên giúp những con thú cưng không người trông coi ở trong xe cảm thấy thoải mái bằng cách cho hiển thị một thông tin trên cản xe rằng chủ xe sẽ nhanh chóng quay trở lại và hiển thị cả nhiệt độ bên trong xe. Nhờ thế, những người đi ngang nhìn thấy sẽ không lo lắng cho những con thú cưng đang ở bên trong.
Chỉ cần chú ý lắng nghe và thu thập thông tin phản hồi cũng giúp bạn cải thiện được vô số thứ hữu ích. Là lãnh đạo, làm gì với thông tin phản hồi nhận được và nhận thông tin phản hồi đều quan trọng ngang nhau. Thông tin phản hồi có ý nghĩa gì nếu bạn chỉ nhận nhưng không có hành động gì? Nếu bạn muốn thực hành mô thức tư duy kiểu bếp trưởng, hãy nhớ rằng những người xung quanh bạn sẽ buộc bạn chịu trách nhiệm về các món ăn do chính bạn chế biến.
Cuối cùng, hãy đón nhận công nghệ và tiềm năng nó có thể mang lại cho tổ chức của bạn và bỏ lại phía sau nỗi sợ hãi công nghệ thay thế con người. Tuy nhiên, khi làm điều đó, hãy chú ý đến các thế mạnh của đội ngũ và đánh giá xem công nghệ có thể bổ trợ và gia tăng các thế mạnh ấy như thế nào. Hãy tìm hiểu xem công nghệ có thể giúp nhân viên hay khách hàng của bạn như thế nào để họ cảm thấy có giá trị hơn. Hãy nhớ rằng công nghệ có tiềm năng cực kỳ to lớn trong việc tạo ra những trải nghiệm tốt hơn cho nhân viên và cả những khách hàng của bạn.
Để lại ý kiến của bạn về bài viết này
Tôi rất vui và cũng rất welcome những ý kiến đóng góp của bạn để bài viết được đa chiều hơn.
My phone
+84888111100
My email
daoxuanloc.buh@gmail.com