Óc tò mò - khám phá
Là nhà lãnh đạo, bạn luôn phải đặt mình trong trạng thái thách thức nguyên trạng, tìm tòi và giải quyết các vấn đề mới luôn xuất hiện.
motphantram
Óc tìm tòi ham học hỏi
Khi được đề nghị nêu ra phẩm chất mà các CEO cần có để thành công trong tương lai, Michael Dell đáp ngay: "Óc tìm tòi ham học hỏi". Walt Disney cũng hoàn toàn đồng ý như thế. Ông nói: "Ở đây, chúng tôi không hối tiếc quá khứ quá lâu. Chúng tôi luôn nhìn về và tiến lên phía trước, tiếp tục mở các cánh cửa mới và làm những thứ mới mẻ, bởi vì chúng tôi rất tò mò... và tính tò mò khám phá dẫn dắt chúng tôi đi đến thành công bằng những lối đi mới".
Chúng ta từng là những đứa trẻ lớn lên cùng với sự tò mò và ngạc nhiên khám phá thế giới. Chúng ta muốn biết mọi thứ hoạt động như thế nào và giới hạn của con người là ở đâu. Nhưng rồi khi chúng ta đi học, ra trường và vào làm việc trong các công ty hay tập đoàn trên thế giới, khả năng thể hiện tính tìm tòi khám phá của chúng ta giảm đi. Ở trường, chúng ta luôn được dạy tìm câu trả lời đúng để vượt qua các kỳ thi; trong thế giới công sở, chúng ta được thúc đẩy làm việc, làm ra tiền, tránh thất bại và phải đạt hiệu suất cao. Nhưng óc tò mò lại đối nghịch hoàn toàn các nguyên tắc này. Kết quả của tò mò khám phá là nắm bắt cơ hội, thử và sai, và thách thức nguyên trạng.
Điều khá rõ ràng trong thế giới kinh doanh là nhân viên dù có óc tìm tòi khám phá đến đâu đi chăng nữa, họ cũng không thể diễn đạt hay theo đuổi những ý tưởng mới của mình. Trong hầu hết các tổ chức, ai có biểu hiện này thường được xem là kẻ phá rối. Đó là lý do nhiều nhân viên vẫn đặt câu hỏi, nhưng chỉ trong đầu họ mà thôi.
Vì thế giới không ngừng thay đổi, tổ chức của chúng ta phải thích ứng và chỉ những nhà lãnh đạo thích tìm tòi khám phá mới là người cầm trịch các thay đổi đột phá. Đó chính là mô thức tư duy cần có để theo đuổi những ý tưởng mới, sản phẩm/dịch vụ mới và những phương pháp làm việc mới tốt hơn.
Định nghĩa về tính tìm tòi: "Óc tò mò có thể được định nghĩa là sự thừa nhận, theo đuổi và khao khát khám phá những thứ mới mẻ, không chắc chắn, phức tạp và mơ hồ". Những câu hỏi thể hiện óc tò mò thường gặp là "tại sao", "điều gì xảy ra nếu...", hay "làm thế nào?"
Nghiên cứu chỉ ra rằng những người có óc tò mò cao cũng như có tiềm năng lớn trong việc phát minh ra những cái mới bên trong tổ chức thường sở hữu bốn đặc điểm sau:
Niềm vui khám phá
Họ hân hoan tìm tòi và đạt được sự vui sướng thông qua việc tiếp nhận những kiến thức và thông tin mới. Họ hạnh phúc từ việc học hỏi và phát triển. Theo Todd, đây là nơi đa số người phải dừng lại vì họ cho rằng tò mò chỉ là táy máy tay chân và khám phá những thứ mới mẻ như kiểu của trẻ con
Tính nhạy cảm về sự thiếu hụt tri thức
Điều này xảy ra khi một người nhận ra rằng có một khoảng trống giữa điều họ đã biết với những gì họ muốn biết và họ cố gắng lấp đầy khoảng trống đó.
Sẵn lòng đón nhận ý tưởng mới
Nuôi dưỡng trí tò mò đòi hỏi chúng ta phải cởi mở đón nhận những ý tưởng và quan điểm khác biệt từ người khác và chủ ý tìm kiếm những cách thức làm việc mới. Là lãnh đạo, hoàn toàn không có vấn đề gì khi bạn thừa nhận rằng : " Tôi không biết" về một chủ đề nào đó và đánh giá cao ý tưởng của người hiểu biết hơn mình, chứ đừng cho rằng ai đó có địa vị cao hơn bạn nên đương nhiên họ thông minh hơn, ra quyết định sáng suốt hơn và có giá trị hơn đối với tổ chức. Gần 20% CEO tôi phỏng vấn cho rằng "đầu óc cởi mở" là phẩm chất vô cùng thiết yếu đối với các nhà lãnh đạo tương lai.
"Vì những biến chuyển trong kinh doanh ngày càng trở nên thường xuyên và cấp thiết hơn, nhà lãnh đạo tương lai phải luôn mở rộng đầu óc trước những ý tưởng và giả thiết còn nghi vấn từ cấp dưới của mình hay từ một bên thứ ba nào đó. Trong hoàn cảnh ấy, nhà lãnh đạo không thể được kỳ vọng biết tất cả mọi thứ và có tất cả mọi câu trả lời. Các nhà lãnh đạo ngày càng phụ thuộc vào nhân viên của mình, những người có kiến thức và góc nhìn khác nhau, để ra những quyết định tốt nhất, Có nghĩa là, để có một tổ chức thành công, các nhà lãnh đạo phải sẵn sàng đón nhận những ý kiến và quan điểm không phải của họ
Khả năng chịu áp lực
Tò mò có thể gây căng thẳng vì bạn đang khám phá một thứ gì đó mới mẻ, không quen thuộc và không chắc chắn. Là lãnh đạo, bạn không những phải biết cách quản lý stress, mà bạn còn phải giúp đội ngũ của mình biết cách "đồng hành" cùng áp lực, và xuất sắc hơn nữa là vượt qua nó.
Những rào cản khiến ta khó phát huy tính tò mò khám phá nơi công sở
Nhìn vào bốn đặc điểm này, thật dễ thấy rằng tại sao chúng ta không tò mò hơn ở nơi công sở. Đa số chúng ta không có thời gian để tìm kiếm tri thức mới từ công việc mà chỉ cố gắng ngoi lên cho khỏi bị chết chìm bởi núi công việc hằng ngày. Đa phần các chương trình đào tạo mà các tổ chức có sẵn đều lạc hậu đến hàng thập kỷ, nghĩa là nhân viên không buồn đụng đến chúng. Trường học và cơ sở giáo dục chỉ dạy và kỳ vọng chúng ta làm điều đúng, tạo ra nhiều lợi nhuận, làm việc với hiệu suất cao nhất và có thể tối thiểu hoá rủi ro. Ngoài ra, các đội nhóm thường bao gồm những người trông giống nhau, hành động giống nhau, tin vào những điều giống nhau, làm cùng địa điểm hay trong cùng dự án, có nghiaax là các đội nhóm này thiếu sự đa dạng về mặt nhận thức.
Elena Donio - CEO của Axiom, một nhà cung cấp dịch vụ pháp lý với hơn 2000 nhân viên khắp thế giới. Theo Elena, "có óc tò mò khám phá, chịu lắng nghe, ham học hỏi và tập hợp ý tưởng từ khắp nơi trong tổ chức là điều rất quan trọng. Ngoài ra, bạn phải có khả năng chịu tổn thương để học hỏi và biết rằng những câu trả lời đúng nhất thường không đến từ những người giữ vị trí cao nhất mà đa số đến từ những nhân viên đang làm việc trực tiếp, gần với khách hàng nhất, gần với các thách thức và cơ hội nhất nơi "tuyến đầu". Và điều quan trọng nữa là bạn phải hết sức chủ động trong việc kiến tạo, dẫn dắt và khen thưởng các giao tiếp, trao đổi tri thức kiểu này."
Một trong những nguyên nhân làm cho tính tò mò khám phá bên trong tổ chức thường gặp nhiều trở ngại là vì chúng ta bị ám ảnh với những mục tiêu ngắn hạn và tâm lý an toàn với những thứ quen thuộc. Chính hệ thống thứ bậc trong công ty cũng là một trong những thành luỹ khó vượt qua vì nó được tạo ra để gạt bỏ những cái mới và những gì không quen thuộc, có nghĩa là mọi loại thay đổi đều rất khó xảy ra.
Nhân viên và các nhà lãnh đạo của các tổ chức thành công và thịnh vượng thường ít có biểu hiện tò mò khám phá. họ nghĩ rõ ràng là mọi thứ còn đang rất ổn, bằng không công ty không ăn nên làm ra như thế này, đúng không? Hiện nay các công ty cũng đang có xu hướng thách thức nguyên trạng và thực hành tò mò khám phá, nhưng chỉ khi có trục trặc nào đó xảy ra mà thôi. Có nghĩa là, nếu hoạt động kinh doanh ngày càng bết bát thì may ra họ mới tò mò khám phá nhiều hơn. Điều này rất đặc trưng trong các chu kỳ của hoạt động đổi mới sáng tạo. Thật vậy, các tổ chức thường chỉ xếp hoạt động đổi mới sáng tạo là ưu tiên số một chỉ khi nào mọi thứ diễn ra không ttoos đẹp và họ cần phải nghĩ đến những thứ khác hơn để thoát ra khỏi nguy cơ sụp đổ. Thường thì khi đó vị CEO sẽ triệu tập một cuộc họp có đủ mặt bá quan văn võ và nói: "Chúng ta đang có một quý kinh doanh tồi tệ, vì thế chúng ta cần các sáng kiến mới để cải thiện tình hình này. Thực tế là, đưa ra các ý tưởng hay khám phá mới trong lúc mọi việc đang tốt đẹp thì dễ hơn nhiều so với việc thúc ép mọi người đẻ ra ý tưởng đột phá trên một con tàu sắp chìm.
Một số ví dụ tiêu biểu cho tính tò mò khám phá
Tập đoàn 3M có 100,000 nhân viên trên toàn thế giới. Họ sản xuất và cung cấp hàng hoá và dịch vụ cho nhiều ngành công nghiệp khác nhau bao gồm sản xuất chế tạo, chăm sóc y tế, hàng tiêu dùng và vật tư thiết bị bảo hộ lao động. Họ xây dựng văn hoá rất khác biệt, trong đó nhân viên được phép dùng 15% thời gian làm việc để nghiên cứu và theo đuổi các ý tưởng họ thích. Tất nhiên, nhân viên có trách nhiệm hoàn thành công việc được giao, nhưng quan trọng là họ được cho thời gian để tự tìm tòi khám phá. Kết quả là, 3M đã thu về được vô số phát minh sáng chế từ nhân viên của họ: từ phim quang học nhiều lớp, keo dính Cubitron, giấy ghi chú Post it, máy lọc không khí lai cơ điện,... Và quỹ thời gian 15% này không chỉ được khuyến khích dùng vào việc tạo ra các sản phẩm hay dịch vụ mới mà còn để nghiên cứu cải tiến các quy trình hay thậm chí để lập ra một nhóm nhân viên có cùng mối quan tâm.
Vào thập niên 1990, Reed Hastings mướn cuốn băng video phim Apollo 13, do Tom Hanks thủ vai chính về xem. Đó là một bộ phim xuất sắc về sứ mạng đổ bộ lên mặt trăng lần thứ bảy của con người. Tất nhiên, thực tế đã không diễn ra như trong phim. Do sơ ý nên Reed đã trả cuốn băng trễ và bị tính phí trễ hạn 40 đô-la. Số tiền phạt này còn lớn hơn cả tiền mua mới cuốn băng đã làm Reed rất bức xúc. Trên đường lái xe về nhà, một ý tưởng loé lên trong đầu anh: "Tại sao việc thuê mướn băng video này không thể hoạt động theo mô hình câu lạc bộ chăm sóc sức khoẻ nhỉ? Ở đó, mọi người đóng phí hằng tháng và có thể đến khám bệnh bất cứ lúc nào họ muốn và bao nhiêu lần tuỳ thích. Và từ đó Netflix ra đời.
Sir Ernest Henry Shackleton - nhà thám hiểm tiêu biểu cho khả năng học hỏi liên tục. Bất kỳ thành viên nào trong thuỷ thủ đoàn của ông cũng có thể đến nói chuyện với ông bất cứ lúc nào, kiểu như chính sách "mở cửa" chúng ta thường hay nói tới ngày nay trong thế giới công sở. Shackleton khuyến khích các thuỷ thủ của mình học hỏi và chỉ bảo lẫn nhau về chuyên môn, tìm hiểu các khía cạnh khác nhau của con tàu và cuộc hải hành của họ. Thậm chí khi còn nhỏ, ông là một con mọt sách và chính điều này nhen nhóm trong ông niềm đam mê về những chuyến phiêu lưu mạo hiểm. Vào năm 16 tuổi, ông nghỉ học và vì gia đình nghèo túng, ông không thể vào hải quân hay phục vụ trên các tàu thương mại. Thay vào đó, ông làm thuỷ thủ tập sự trên thuyền buồm và được chu du khắp thế giới, xây dựng các mối quan hệ và học cách sống, cách giao tiếp và cách làm việc cùng những người khác ở mọi tầng lớp xã hội. Nhờ liên tục học hỏi, cuối cùng ông đã đạt đủ phẩm chất và kinh nghiệm để chỉ huy một con tàu của riêng mình.
Tầm quan trọng của óc tìm tòi học hỏi - khám phá
Vị trí chuyên môn của bạn ngày nay dù là lãnh đạo hay nhân viên không nói lên được địa vị của bạn trong tương lai. Vị thế tổ chức của bạn hôm nay không phải vị thế của nó trong tương lai. Là lãnh đạo, khi bạn học hỏi, nhân viên của bạn cũng sẽ học hỏi.
Trong hàng thập kỷ, chúng ta cho rằng tất cả những gì cần để thành công trong sự nghiệp và cuộc sống cá nhân là những gì chúng ta được dạy ở trường hay bởi tổ chức đã thuê mướn và huấn luyện chúng ta. Suy nghĩ ấy từng đúng trong một thời gian nhưng nó đã được chứng minh rằng đã lỗi thời và sẽ nhanh chóng bị xoá bỏ hoàn toàn trong thời gian tới. Vào lúc mà phần lớn các sinh viên đại học tốt nghiệp, những gì họ được giảng dạy trong bốn năm trên giảng đường sẽ trở nên lạc hậu cả.
Các lãnh đạo tương lai phải xây dựng cho được văn hoá học hỏi trong tổ chức của mình. Các tổ chức không học hỏi liên tục và không thích ứng với thay đổi sẽ tự đánh mất lợi thế cạnh tranh và cuối cùng là không thể tồn tại. Chúng ta đã nhìn thấy các trường hợp như thế hết lần này đến lần khác và sẽ còn nhìn thấy nó diễn ra thường xuyên hơn và nhanh hơn nữa trong tương lai gần. Ngoài ra, những tổ chức không phát triển được văn hoá học hỏi sẽ không có khả năng thu hút và giữ chân nhân tài để thành công vì họ sẽ tìm kiếm những bến đỗ khác. Đối với nhà lãnh đạo tương lai, học hỏi liên tục cũng như không khí và nước uống hằng ngày vậy"
Để lại ý kiến của bạn về bài viết này
Tôi rất vui và cũng rất welcome những ý kiến đóng góp của bạn để bài viết được đa chiều hơn.
My phone
+84888111100
My email
daoxuanloc.buh@gmail.com