Những kẻ mộng mơ

"Nói cho cùng con người coi việc kẻ khác đánh giá anh bán kem hay cậu chăn cừu quan trọng hơn là thực hiện điều thâm tâm mình muốn."

"Khi còn nhỏ người bán kem kia cũng muốn đi đây đi đó lăm. Nhưng mà anh ta thấy nên mua một xe kem để kiếm tiền và dành dụm đã. Khi nào đủ tiên anh ta sẽ sang châu Phi chơi một tháng. Anh ta không hề hiểu răng người ta lúc nào cũng có thể thực hiện được ước mơ của mình"

Trong đoạn trích trên, người bán kem là hình ảnh đại diện cho những người có ước mơ nhưng lại chưa từng thực hiện chúng. Khi còn trẻ, anh ta mong muốn được đi đây đi đó, khám phá thế giới. Tuy nhiên, thay vì lập kế hoạch chi tiết và hành động, anh ta chọn con đường an toàn hơn: kiếm tiền và tiết kiệm với hy vọng rằng một ngày nào đó sẽ có đủ tiền để thực hiện ước mơ của mình. Đây là một tình trạng phổ biến trong xã hội hiện đại, khi nhiều người dành cả đời để chờ đợi "thời điểm thích hợp" để theo đuổi ước mơ, nhưng thực tế là thời điểm đó có thể không bao giờ đến.

Điều này nhắc nhở chúng ta rằng cuộc sống là một chuỗi những biến cố không lường trước được, và nếu chúng ta cứ chờ đợi điều kiện lý tưởng, chúng ta có thể bỏ lỡ cơ hội thực hiện ước mơ của mình. Thay vì chờ đợi, chúng ta nên bắt đầu ngay từ bây giờ với những gì mình có, bất kể điều kiện hiện tại. Điều này không có nghĩa là chúng ta phải từ bỏ mọi trách nhiệm và nghĩa vụ hiện tại để theo đuổi ước mơ, nhưng chúng ta có thể kết hợp giữa việc kiếm tiền và xây dựng kế hoạch cho tương lai.

Một trong những cách giải quyết vấn đề này là xem công việc hàng ngày như một phần của kế hoạch thực hiện ước mơ. Điều này đòi hỏi sự cân nhắc kỹ lưỡng giữa việc duy trì một cuộc sống ổn định và việc theo đuổi những gì mình đam mê. Ví dụ, nếu bạn có ước mơ một lần được đi du lịch châu Âu, bạn có thể lập kế hoạch tiết kiệm một khoản tiền cụ thể hàng tháng để dành cho chuyến đi đó. Trong ví dụ này, bạn dự tính chuyến đi sẽ kéo dài 30 ngày và chi phí khoảng 240 triệu đồng. Nếu bạn lên kế hoạch thực hiện chuyến đi này trong 5 năm (60 tháng), mỗi tháng bạn cần tiết kiệm khoảng 4 triệu đồng.

Việc lập kế hoạch cụ thể như vậy không chỉ giúp bạn tiến gần hơn đến ước mơ của mình mà còn tạo động lực để bạn gia tăng khả năng kiếm thu nhập. Mỗi tháng, ngay khi nhận lương, bạn nên cắt một khoản tiền nhất định và đầu tư vào một kênh an toàn hoặc gửi tiết kiệm. Bằng cách này, bạn không chỉ tích lũy tiền cho ước mơ của mình mà còn rèn luyện kỷ luật tài chính và sự kiên nhẫn. Hơn nữa, khi có một mục tiêu rõ ràng, bạn sẽ có thêm động lực để cải thiện bản thân, chẳng hạn như tìm kiếm cơ hội thăng tiến trong công việc hoặc học hỏi thêm kỹ năng mới để tăng thu nhập.

Điều quan trọng là không để công việc hàng ngày và thành quả ngắn hạn làm mờ đi mục tiêu dài hạn của bạn. Nhiều người bị cuốn vào công việc và cuộc sống hàng ngày, quên mất ước mơ ban đầu của mình. Vì vậy, việc giữ cho ước mơ luôn hiện hữu và rõ ràng trong tâm trí là điều cần thiết. Hãy thường xuyên nhắc nhở bản thân về mục tiêu và động lực của mình, và đảm bảo rằng những quyết định và hành động của bạn đều hướng tới việc đạt được ước mơ đó.

"Lẽ ra anh ta nên làm kẻ chăn cừu" cậu buột miệng nói to. "Anh ta quả cũng có nghĩ thế đấy," ông già nói.
"Nhưng mà nghề bán kem được coi trọng hơn là chăn cừu. Họ có nhà cửa, còn người chăn cừu phải ngủ ngoài đồng hoang. Thiên hạ thích gả con gái cho người bán kem hơn cho gã chăn cừu."

Sự so sánh giữa nghề bán kem và nghề chăn cừu trong đoạn trích là một ẩn dụ sâu sắc về cách xã hội đánh giá và coi trọng các nghề nghiệp khác nhau. Người bán kem, với công việc ổn định và khả năng sở hữu nhà cửa, được xã hội đánh giá cao hơn so với người chăn cừu, người phải sống một cuộc đời lang thang và không ổn định. Điều này phản ánh một thực trạng xã hội: sự ổn định và tài chính được coi trọng hơn sự tự do và đam mê.

Áp lực từ xã hội và định kiến là những yếu tố mạnh mẽ ảnh hưởng đến quyết định của con người. Nhiều người lo lắng về việc không được coi trọng hoặc bị xã hội đánh giá thấp nếu theo đuổi những con đường không phổ biến hoặc không mang lại sự ổn định tài chính. Câu nói như "Làm như vậy người khác cười cho đấy..." hay "Xem con nhà người ta kìa, bằng tuổi mày người ta đã là ông này bà nọ..." thường xuất hiện trong các cuộc trò chuyện gia đình hoặc giữa bạn bè, tạo ra áp lực đồng trang lứa lớn. Người bán kem trong câu chuyện là một ví dụ điển hình. Mặc dù anh ta có ước mơ đi đây đi đó và khám phá thế giới, anh ta chọn con đường ổn định hơn vì áp lực từ xã hội. Anh ta lo sợ rằng nếu không theo đuổi một công việc ổn định, anh ta sẽ bị coi thường hoặc bị cười nhạo. Điều này dẫn đến việc anh ta từ bỏ ước mơ của mình để đạt được sự ổn định về tài chính và địa vị xã hội.

Tuy nhiên, điều này đặt ra một câu hỏi quan trọng: liệu sự ổn định có thực sự mang lại hạnh phúc và sự thỏa mãn? Và liệu chúng ta có thật sự tận hưởng sự ổn định đó hay không? Đôi khi, sự ổn định không phải là vì bản thân chúng ta mà là để phục vụ cho cái nhìn của người khác về chúng ta

"Nói cho cùng con người coi việc kẻ khác đánh giá anh bán kem hay cậu chăn cừu quan trọng hơn là thực hiện điều thâm tâm mình muốn"

Đây là câu thể hiện rõ ràng sự mâu thuẫn này. Xã hội thường đánh giá con người dựa trên những tiêu chuẩn bên ngoài như tài chính, địa vị và sự ổn định. Nhưng điều quan trọng hơn là liệu chúng ta có thể sống đúng với bản thân và theo đuổi đam mê của mình hay không. Chỉ khi chúng ta dám vượt qua những định kiến xã hội và sống theo cách mình muốn, chúng ta mới có thể tìm thấy sự thỏa mãn thực sự trong cuộc sống.

Để lại ý kiến của bạn về bài viết này

Tôi rất vui và cũng rất welcome những ý kiến đóng góp của bạn để bài viết được đa chiều hơn.

My phone

+84888111100

My email

daoxuanloc.buh@gmail.com