Nhà tương lai học

Hãy nhớ rằng không có một tương lai duy nhất và tương lai ấy không xảy ra cho bạn, mà bạn mới chính là người tạo ra nó. Vậy, tương lai bạn muốn có là gì và làm thế nào bạn tạo ra nó?

Khi nghĩ về nhà tương lai học, hầu hết chúng ta cho rằng đó là những người có khả năng tiên đoán tương lai. Nhưng sự thật không hẳn thế. Trong thế giới công sở, chúng ta thường xuyên nghe nói về ước muốn "nhìn thấy tương lai". Tuy nhiên, các nhà tương lai học chỉ giúp đảm bảo rằng cá nhân và tổ chức không bị bất ngờ bởi những gì tương lai mang đến. Kỹ năng này được các CEO tôi phỏng vấn cho là quan trọng nhất đối với các nhà lãnh đạo tương lai. Nhưng bằng cách nào họ có được kỹ năng đó?

Bạn có biết tổng số nước đi trong một ván cờ còn nhiều hơn tổng số nguyên tử có trong vũ trụ không? Đó là môn chơi của những sự kết hợp và số lượng khả năng vô hạn, đến mức không có hai ván cờ nào diễn ra giống hệt nhau, trừ phi người ta cố ý làm thế. Trong một ván cờ, khoảng 10-12 nước đi đầu tiên gọi là khai cuộc. Trong giai đoạn này, các đại cao thủ thường tính toán các nước đi mà họ và đối thủ có thể ra đòn để chiếm thế thượng phong. Tất nhiên, họ không thể đoán chính xác đối thủ sẽ đi nước nào, nhưng những nước khai cuộc mạnh có thể buộc đối thủ phải đi những nước không ngạc nhiên cho họ. Tuy nhiên, thỉnh thoảng cũng có kẻ hậu bối đi những nước làm cho bậc tiền bối phải lúng túng. Khi điều này xảy ra, các bậc cao thủ thường dựa vào kiến thức, kinh nghiệm, khả năng đọc thế cờ và trực giác của mình để xoay chuyển tình thế. Tư duy như nhà tương lai học là xem xét nhiều khả năng và kịch bản khác nhau thay vì chỉ chọn một và bám lấy nó. Điều này có nghĩa là bạn phải thực sự cân nhắc mọi phương án khả dĩ để nếu rơi vào trường hợp nào, bạn cũng có thể xử lý được. Nhịp thay đổi là một trong những xu hướng và thách thức lớn nhất định hình tương lai của lãnh đạo. Với mọi thứ thay đổi nhanh chóng như hiện nay, nhà lãnhd aodj phải có khả năng ứng phó và khả năng dự đoán xuất sắc nhằm tiên đoán được sự thay đổi để có kế hoahcj sẵn sàng. Điueef này cực kỳ quan trọng không những khi công ty của bạn dandg đối mặt với khó khăn mà đặc biết khi việc kinh doanh của bạn đang phát đạt và mọi người đang men say thành công.

"Sự thật là thích ứng với thay đổi vẫn chưa đủ; chúng ta cần dẫn dắt sự thay đổi và sáng tạo tương lai. Thích ứng chỉ là cố giữ cho bạn khỏi chìm xuống nước, chính sự dẫn dắt và sáng tạo mới giúp bạn giương buồm vượt lên những con sóng cả. Là lãnh đạo, chúng ta cần phải cân bằng tính thực dụng và tốc độ với sự xem xét thận trọng các ảnh hưởng từ những quyết định của chúng ta đối với công ty và nhân viên trong những bối cảnh mới vốn luôn thay đổi. Lãnh đạo chỉ nghĩ đến việc thích ứng sẽ bị tụt hậu, những ai nghĩ rằng cần phải sáng tạo tương lai mới là người chiến thắng" - Alfredo Parez - CEO của Alicorp.

Các nhà tương lai học thường dùng mô hình "chiếc nón khả năng - the cone of possibilities" để giúp họ tư duy và hình dung các khả năng có thể xảy ra. Hãy tưởng tượng rằng bạn nhìn từ phần đỉnh của chiếc nón này. Nó tượng trưng cho thời gian, càng gần thì càng dễ đoán, nghĩa là số lượng kịch bản có thể xảy ra hay các khả năng cần xem xét cũng ít đi. Khi thời gian càng lâu, số lượng kịch bản và khả năng bạn cần xem xét càng tăng lên. Có nhiều loại khả năng bạn cần xem xét:

  1. Những gì có thể xảy ra

  2. Những gì khó xảy ra nhưng vẫn có thể xảy ra

  3. Những gì hầu như chắc chắn xảy ra

  4. Những gì bạn muốn nó diễn ra

Các khả năng này mang tính chủ quan và phụ thuộc nhiều yếu tố, bao gồm khả năng bạn nhận diện ra các mô hình, bạn hoà nhập và ý thức được mình đang đi cùng các xu hướng và lượng thời gian bạn dùng để tìm kiếm các tín hiệu có thể đưa ra các manh mối. Đối với các nhà lãnh đạo, điều này có nghĩa là bạn phải gắn kết chặt ché với các mối quan hệ xung quanh bạn hơn bao giờ hết, bao gồm nhân viên, khách hàng và cả các đối thủ của bạn.

Một ví dụ ứng dụng chiếc nón khả năng vào phân tích trí tuệ nhân tạo và việc làm:

Bắt đầu từ đỉnh nón, chúng ta có thể thấy được khá dễ dàng rằng ngày mai, tuần sau, tháng sau và thậm chí đến cuối năm nay, mọi thứ hầu như không khác gì so với bây giờ. Sáng mai bạn thức dậy mà không hề thấy công nhân bị thay thế bởi người máy và bots hay ngày tàn của việc làm của con người đã đến. Nhưng nếu bạn nhìn ra xa hơn, 5 năm hay 10 năm, bỗng nhiên một bức tranh khác hiện ra

Những gì có thể xảy ra?

Với những tiến bộ liên tục và sự đầu tư cho công nghệ, tôi cho rằng mọi thứ chính xác không còn như bây giờ. Có lẽ trong 5 năm tới, chúng ta sẽ thấy công nghệ thay thế cho nhiều việc làm thường quy, nhưng sự thay thế này không diễn ra hàng loạt và nhanh chóng như nhiều người đang suy nghĩ. Thay vào đó, có rất nhiều việc làm mới được sinh ra và sự cân bằng chung về việc làm giữa người và máy sẽ được giữ vững. Cá nhân tôi thích nhìn thấy những công việc thường quy và nhàm chán được thay thế bởi tự động hoá và người lao động được đào tạo lại hoặc đào tạo nâng cao để thực hiện những công việc trí tuệ hơn, mang tính "người" hơn như hoạch định chiến lược, tư vấn khách hàng và xây dựng các mối quan hệ

Đây là một kỹ thuật rất mạnh mẽ mà các nhà tương lai học sử dụng để giúp họ tư duy, khám phá và hoạch định cho tương lai. Tất nhiên, bạn có thể nêu ra nhiều khả năng và kịch bản trong từng phương pháp và bạn có thể nhận ra rằng tương lai có lẽ là sự kết hợp của nhiều khả năng khác nhau mà bạn đã dự đoán. Quan trọng nhất là bạn phải có những góc nhìn đa chiều, không đưa định kiến cá nhân vào việc lên những kịch bản có thể xảy ra. Một ví dụ về tác hại của việc góc nhìn phiến diện ảnh hưởng tiêu cực thế nào cho nhà lãnh đạo:

Giả sử bạn tin rằng trong 10 năm tới hàng triệu việc làm trên khắp thế giới sẽ bị thay thế, bao gồm cả những công việc trong công ty của bạn, và chiến lược của bạn được xây dựng dựa trên giả định này. Bạn quyết định đầu tư vào nhiều chương trình công nghệ và tự động hoá, sẵn sàng cho việc cắt giảm nhân sự và ngừng đầu tư vào những thứ liên quan đến trải nghiệm nahan viên như cải thiện môi trường làm việc, văn hoá, lãnh đạo, chăm sóc sức khoẻ nhân viên. Vài năm trôi qua và mọi thứ dần trở nên rõ ràng, rằng dù công nghệ đã trở thành phần không thể thiếu trong công ty của bạn, con người vẫn là nhân tố cốt lõi giúp công ty của bạn hoạt động. Khách hàng của bạn vẫn muốn tiếp xúc với con người bằng xương bằng thịt, có lẽ AI cũng không phát triển nhanh như vài người từng tiên đoán và giờ đây chính con người (chứ không phải công nghệ) mới quyết định thành công của bạn. Không may là, tới lúc này thì bạn đã bỏ ra nhiều năm ròng để tái thiết tổ chức của mình theo hướng ít sử dụng con người hơn và bạn đang rơi vào rắc tối. Bạn phạm sai lầm khi chỉ chọn một góc nhìn và quay cù với nó thay vì nghĩ rộng hơn theo nhiều góc độ khác nhau.

Nhà lãnh đạo tương lai phải thoải mái và linh hoạt trong tư duy theo hướng đa chiều và luôn có nhiều phương án dự phòng sẵn sàng thay thế cho phương án khác. Là lãnh đạo, bạn phải tối thiểu hoá các tình huống có thể làm bạn bất ngờ trong tương lai. Lối tư duy trên có thể được áp dụng ở mọi tổ chức lớn hay nhỏ. Thật may mắn khi đây là lĩnh vực mà công nghệ có thể mang đến cho bạn sự hỗ trợ lớn lao.

"Trong thời gian dài, các nhà lãnh đạo ra quyết định và lập chiến lược dựa vào bản năng và trực giác. Tất nhiên điều này vẫn quan trọng ngày nay nhưng giờ đây chúng ta có thêm nhiều thông tin, dữ liệu và công nghệ để giúp quyết định xem chúng ta có đi đúng hướng hay không. Đối với nhà lãnh đạo tương lai, đó không phải chỉ chọn duy nhất một con đường và bám chặt vào đó bằng mọi giá, mà là khám phá nhiều con đường khác nhau cùng một lúc, quan sát từ mọi góc độ để chọn ra cách tốt nhất" - Michael Kasbar - chủ tịch kiêm CEO của World Fuel Services.

Nhiều nhà lãnh đạo ngày nay liên tục hỏi rằng: "Thế tương lai của việc làm là gì?". Đây là một trong những câu hỏi phổ biến nhất tôi thường nghe. Tuy nhiên, câu hỏi này tạo ra hai giả định nguy hiểm và chắc chắn là không đúng. Thứ nhất là giả định chỉ có một tương lai duy nhất và thứ hai là tương lai đó sẽ xảy ra cho tất cả chúng ta. Như tôi đã giải thích ở trên, không có gì gọi là tương lai duy nhất và chắc chắn sẽ xảy ra, vì thế hãy loại bỏ ý nghĩ đó ra khỏi đầu bạn. Khi chúng ta nói về tương lai như là điều gì đó sắp xảy ra với chúng ta, đó chỉ là sự gợi nhớ về một người bị một cú đấm vào bụng mà không biết làm gì cả ngoài việc ôm bụng rên la. Một tương lai như thế không xảy đến với chúng ta, mà nó là cái chúng ta có thể thiết kế, định hình và sáng tạo ra. Đối với các nhà lãnh đạo trong thập niên tới, tư duy theo cách của nhà tương lai học có nghĩa là đập tan hai giả định lệch lạc nói trên và tự mình đứng vào vị trí thuyền trưởng để dẫn dắt thuỷ thủ đoàn, chứ không phải ngồi đó vò đầu bứt tai tự hỏi "tương lai của việc làm là gì?". Câu hỏi đúng bạn phải hỏi là: "Tương lai việc làm mà tôi và tổ chức của tôi muốn nhìn thấy là gì? Và chúng ta phải làm như thế nào để điều đó xảy ra?" Nói theo Abraham Lincoln, "Cách tốt nhất bạn có thể tiên đoán tương lai là hãy tạo ra nó!".

Tom Wilson là chủ tịch kiêm CEO của Allstate corporation, ông nói "Lãnh đạo là định hình tương lai chứ không chỉ phản ứng theo xu hướng. Vấn đề là bạn có nhìn thấy và định hình được một tương lai tốt đẹp hơn hay không. Đó là công việc của người lãnh đạo."

Phát triển kỹ năng nhà tương lai học như thế nào?

Rất hay là, nhiều người trong chúng ta thực hành kỹ năng này dưới một hình thức nào đó trong cuộc sống cá nhân của mình, có điều chúng ta không nhận ra mà thôi. Hãy nhớ lại lần đầu tiên bạn đi hẹn hò hay lần đầu có con, hoặc khi bạn mua ngôi nhà đầu tiên, hoặc những lần ra các quyết định quan trọng trong đời bạn. Những lúc ấy, bạn có tự hỏi những câu như thế này không: "Mình có nhìn thấy một tương lai tươi sáng với người ấy sau cuộc gặp này không?" hay "Giá bất động sản khu này 10 năm tới thế nào nhỉ?" ... Nói cách khác, đó là những lúc bạn đã nghĩ về nhiều kịch bản khác nhau và hình dung chúng trong đầu bạn; nhưng không biết vì lý do gì khi vào môi trường công ty thì kỹ năng này tắt ngấm ở hầu hết chúng ta.

Cách tốt nhất bạn có thể bắt đầu tư duy như nhà tương lai học là hãy hỏi chính mình một loạt những câu hỏi khi đối diện với những tình huống bạn cần ra quyết định. Bạn sẽ thấy những câu hỏi này có thể được áp dụng vào những vấn đề lớn như định hướng chiến lược, hoặc kể cả các vấn đề nhỏ hơn như chủ trì một cuộc họp. Dưới đây là một số mẫu câu bạn có thể tham khảo:

  • Tại sao [Điều này] có thể hoặc không thể xảy ra?

  • Điều gì khác có thể xảy ra?

  • Mình muốn điều gì xảy ra và mình có thể làm cho nó xảy ra như thế nào?

  • Đâu là những nhân tố có thể làm [điều này] xảy ra hoặc không xảy ra, tại sao?

  • Hãy bắt đầu bằng 4 câu hỏi trên và nếu bạn thường xuyên tự hỏi như thế trước khi ra một quyết định, bạn sẽ thấy cách tư duy của bạn thay đổi rất ngoạn mục và đương nhiên là hiệu quả cao hơn.

Lời cuối tôi muốn dành cho bạn là hãy nhớ sử dụng chiếc nón khả năng. Mô hình và công cụ này của nhà tương lai học thực sự rất hữu ích trong việc điều hành những cuộc họp nhỏ hay các hội thảo lớn. Tuy nhiên, bạn cũng cần có khả năng đọc tình hướng nhanh, giống như các cao thủ cờ thường làm trước những nước đi gây bất ngờ cho đối phương nhằm chiếm thế thượng phong và chiến thắng.

Hãy nhớ rằng không có một tương lai duy nhất và tương lai ấy không xảy ra cho bạn, mà bạn mới chính là người tạo ra nó. Vậy, tương lai bạn muốn có là gì và làm thế nào bạn tạo ra nó?

Để lại ý kiến của bạn về bài viết này

Tôi rất vui và cũng rất welcome những ý kiến đóng góp của bạn để bài viết được đa chiều hơn.

My phone

+84888111100

My email

daoxuanloc.buh@gmail.com