Nhà Biên Dịch

Hãy nhớ rằng không có một tương lai duy nhất và tương lai ấy không xảy ra cho bạn, mà bạn mới chính là người tạo ra nó. Vậy, tương lai bạn muốn có là gì và làm thế nào bạn tạo ra nó?

Nhà biên dịch

Nhà lãnh đạo tương lai phải là một nhà biên dịch, họ phải là những người giỏi lắng nghe và giỏi truyền tải. Thật vậy, lắng nghe và giao tiếp hiệu quả là những kỹ năng nhà lãnh đạo tương lai không thể thiếu. Tuy nhiên, dù đây là những kỹ năng cơ bản và vượt thời gian đối với nhà lãnh đạo xuất sắc, chúng cũng là những kỹ năng người ta phải rèn luyện một cách gian khổ và lâu dài nhất. Các CEO tôi phỏng vấn xếp nhóm kỹ năng này thứ hai trong danh sách các kỹ năng quan trọng nhất, chỉ sau kỹ năng "nhà tương lai học"

Mặc dù lắng nghe và giao tiếp hiệu quả luôn là yêu cầu cơ bản đối với lãnh đạo, tầm quan trọng của hai kỹ năng này sẽ tăng lên hàng chục lần trong những năm sắp tới. Thế giới đang ngày càng gắn kết chặt ché lại vừa phân tán rộng khắp hơn nữa. Các động cơ xã hội đang trở thành những nhu cầu kinh doanh bức thiết và lượng tiếng ồn cùng những tác nhân gây mất tập trung mà chúng ta đối mặt hằng ngày là vô cùng lớn. Bạn hãy thử tính xem số lượng các kênh liên lạc chúng ta có thể sử dụng hiện nay xem, chúng không ngừng gia tăng! Chúng đang thay đổi hành vi của chúng ta: giờ đây người lớn cũng thích chụp ảnh selfie và thường xuyên sử dụng các biểu tượng cảm xúc khi giao tiếp với nhau.

Bây giờ bạn hãy tưởng tượng xem điều đó sẽ như thế nào trong thập niên tới. Rõ ràng các nhà lãnh đạo phải hiểu rõ nhân viên, khách hàng, đối thủ và cả xã hội nói chung, và tất cả những việc đó không thể diễn ra nếu không có sự lắng nghe. Các nhà lãnh đạo cũng được đặt vào tầm ngắm của công chúng nhiều hơn bao giờ hết. Các cổ đông và những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan cũng thường xuyên chờ đợi câu trả lời từ họ về những gì công ty đang làm, vì thế, có khả năng giao tiếp hiệu quả trong một thế giới như thế là điều cực kỳ quan trọng đối với các nhà lãnh đạo.

Lắng nghe

Nhiều người không phân biệt được "nghe" (hearing) và "lắng nghe" (listening). Nghe là sự di chuyển của âm thanh vào tai bạn. Ví dụ , khi đang đọc sách, bạn có thể nghe nhiều thứ âm thanh xung quanh lọt vào tai bạn; bạn ngồi quán cafe và nghe người khác nói chuyện râm ran; bạn đi máy bay và nghe tiếng động cơ gầm rú bên ngoài; bạn đang ngồi ở nhà và nghe tiếng chim hót líu lo ngoài vườn. Nghe không phải là hành động có ý thức và cũng không đòi hỏi bạn phải gắng sức một cách có chủ ý.

Ngược lại, lắng nghe hoàn toàn khác, đó là một hành động có mục đích, có cân nhắc để hiểu ai đó hay sự vaytaj gì đó. Trong thế giới mà con người dễ bị phân tâm như hiện nay, lắng nghe càng khó hơn nhiều. Hãy nhớ lại lần bạn đang trò chuyện với một người nào đó và họ không hề chú ý lắng nghe bạn. Vâng, có thể họ vẫn đang nhìn vào bạn nhưng hồn họ thì đang ở tận nơi đâu. Cũng có người tập trung vào laptop hay điện thoại của họ thay vì lắng nghe bạn. Cảm giác của bạn lúc đó thế nào - thật thất vọng đúng không?

Với quá nhiều kênh giao tiếp chúng ta đang sử dụng ngày nay, việc lắng nghe đối với các nhà lãnh đạo tương lai có nghĩa là họ phải có nhiều "tai" để lắng nghe nhiều kịch bản và nhiều người hoặc nhóm người khác nhau.

Tôi luôn thích thú với ý nghĩ có bao nhiêu lãnh đạo ngoài kia thích sao chép những gì các lãnh đạo khác đang làm cho tổ chức của họ. Tôi thường bảo họ rằng: "Hãy ngừng ngay việc sao chép hàng loạt!" Cách tốt nhất để anh biết rõ nhân viên và khách hàng của mình muốn gì là hãy đi hỏi họ và quan trọng hơn, hãy lắng nghe họ.

"Tôi không phát minh ra nó, nhưng tôi chắc rằng nó đã tồn tại hơn 100 năm qua và cực kỳ hữu dụng, nhất là khi tôi đối diện một tình huống mới hay đứng trước các thay đổi. Đó là một bài học tuyệt vời về cầm giữ (keep), dừng (stop), và bắt đầu (start). Tôi tập trung mọi người lại và hỏi họ chúng tôi cần giữ việc gì (keep), dừng việc gì (stop), và bắt đầu việc gì (start). Tôi hỏi tất cả họ, từ cấp cao nhất đến cấp thấp nhất trong công ty. Điều then chốt ở đây là bạn lắng nghe thông tin phản hồi từ nhân viên của mình, phân tích và quyết định xem đâu là điều tốt nhất cần thực hiện. Tất cả đều phải bắt đầu từ lắng nghe." - Charlie Young - CEO Coldwell Banker

Đối với các nhà lãnh đạo, lắng nghe rất quan trọng vì họ có thể bị đứt gãy thông tin trong giao tiếp với nhân viên và khách hàng của mình, nhất là ở những tổ chức đa quốc gia quy mô lớn. Một trong những phát hiện nhất quán trong các nghiên cứu tôi thực hiện cho quyển sách này là khi bạn càng lên cấp cao hơn, bạn càng tách xa nhân viên trong tổ chức của mình. Do khoảng cách này, những hiểu biết của bạn về xu hướng tương lai dù đúng đắn đến đâu cũng không tương thích với những người bạn làm việc cùng. Một trong những cách hiệu quả nhất để rút ngắn khoảng cách đó là thực hành lắng nghe thấu hiểu.

Chẳng thế mà nhiều người nói rằng lắng nghe là hình thức thể hiện sự tôn trọng và tình yêu lớn nhất đối với người mà bạn hướng đến. Bằng cách lắng nghe chân thành, bạn có thể xây dựng được những mối quan hệ tốt đẹp xung quanh bạn, ra những quyết định thông minh hơn và tạo dựng được những đội ngũ gắn kết khăng khít hơn. Điều này chứng tỏ bạn đang khuyến khích nhân viên của mình lên tiếng và bày tỏ quan điểm. Trở thành người giỏi lắng nghe sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu không ai muốn nói chuyện với bạn đúng không nào?

Giao tiếp

Giao tiếp hiệu quả là một trong những công cụ tuyệt vời nhất nằm trong bộ kỹ năng thiết yếu của mọi nhà lãnh đạo thành công. Nó là thứ giúp bạn truyền cảm hứng, kết nối và đồng hành với những người xung quanh bạn. Nó còn giúp bạn đảm bảo rằng mọi chiến lược sẽ được thực thi một cách tốt nhất. Tất cả chúng ta đều từng nhìn thấy tác động từ giao tiếp của các nhà lãnh đạo giỏi và các nhà lãnh đạo tồi. Đã bao lần bạn gặp gỡ một nhà lãnh đạo hay nghe một người khác diễn thuyết gì đó để rồi cuối cùng bạn phải buộc miệng hỏi "Hả" một cách sửng sốt? Thế còn một email dông dài như tờ khai bệnh với bác sĩ thay vì một vài phút nói chuyện ngắn gọn với nhân viên thì sao? Bạn có chán ngàn với kiểu giao tiếp bằng chữ như thế không?

Giap tiếp là phải hiểu rõ cách sử dụng các kênh truyền đạt khác nhau và phải hiện diện bên cạnh người khác để họ có thể cảm nhận con người bạn và thông điệp của bạn. Giao tiếp có thể tồn tại dưới hình thức lời nói hoặc không bằng lời nói và không ngừng tiến hoá.

Phát triển kỹ năng "nhà biên dịch" như thế nào?

Sam Walton là nhà sáng lập chuỗi siêu thị Walmart, một trong những công ty có nhiều nhân viên nhất trên thế giới. Mỗi tuần trong gần 30 năm liên tiếp, Sam đều đi thăm các cửa hàng và các trung tâm phân phối của mình trên khắp nước Mỹ với cây bút và cuốn sổ nhỏ trong tay. Ông dành thời gian nói chuyện với các cộng sự và nhận thông tin phản hồi từ họ về việc làm thế nào để phục vụ khách hàng tốt hơn. Sam cũng trò chuyện với khách hàng của mình và thậm chí cả khách hàng của đối thủ. Ông chính là hình mẫu của nhà lãnh đạo biết lắng nghe.

4 điểm chung của top 5% những người lắng nghe hiệu quả nhất:

  1. Người giỏi lắng nghe không nhất thiết luôn im lặng khi người khác nói. Trên thực tế, ngược lại mới đúng. Những người lắng nghe xuất sắc nhất không chỉ đặt câu hỏi mà còn biết dẫn dắt sao cho người nói thoải mái chia sẻ những khám phá và ý tưởng sâu sắc. Nói cấch khác, họ thách thức các giả định của người nói một cách lịch sự và trên tinh thần xây dựng. Ngoài ra, người giỏi giao tiếp không những biết đặt câu hỏi, mà phải có những câu hỏi hay và chính xác. Nghiên cứu này chỉ ra rằng, người giỏi giao tiếp là người có khả năng tạo ra những cuộc hội thoại hai chiều phong phú.

  2. Người giỏi lắng nghe biết xây dựng lòng tự tôn của người nói và làm cho họ cảm thấy được hoan nghênh và rằng người nghe có niềm tin vào người nói. Tạo môi trường an toàn để các vấn đề và những khác biệt có thể được mang ra thảo luận cởi mở là một phần rất quan trọng trong việc trở thành người giỏi lắng nghe.

  3. Người giỏi lắng nghe tạo ra các cuộc nói chuyện trên tinh thần hợp tác, khiến việc tiếp nhận thông tin và phản hồi diễn ra một cách thuận lợi. Bạn còn nhớ những ngày xưa với đĩa CD không? Nếu mặt đĩa bị trầy xước thì bài hát sẽ bị nhảy hoặc bỏ qua, hoặc bạn chỉ nghe được những tiếng rít khó chịu. Còn nếu chiếc CD ấy được bảo quản cẩn thận, bạn sẽ được thưởng thức những bài hát hay. Là lãnh đạo, công việc của bạn là đảm bảo rằng những chiếc CD ấy không có vết xước nào, vì bạn muốn mọi cuộc nói chuyện phải được diễn ra thông suốt.

  4. Người giỏi lắng nghe thường đưa ra lời đề nghị và tìm hiểu những cách khác hay cơ hội khác, chứ không chỉ bám vào cách duy nhất do người nói đề xuất.

6 cấp độ lắng nghe từ thấp đến cao.

Cấp độ 1: Bạn cần tạo ra môi trường an toàn, nơi mọi vấn đề đều có thể được mang ra thảo luận một cách cởi mở.

Cấp độ 2: Bạn cất đi những thứ có thể làm bạn sao nhãng cuộc nói chuyện như điện thoại, laptop và có giao tiếp thích hợp bằng ánh mắt với người nói

Cấp độ 3: Bạn cần nắm rõ trọng tâm hay chủ đề của cuộc nói chuyện, nghĩa là bạn phải xác định những ý chính, đặt câu hỏi làm rõ các luận điểm hay vấn đề và lặp lại chúng để đảm bảo rằng bạn hiểu mọi thứ một cách đúng đắn.

Cấp độ 4: Bạn cần chú ý đến các tín hiệu phi ngôn ngữ như chuyển động cơ thể, biểu cảm trên gương mặt, âm và giọng nói của người đối diện. Trong nghiên cứu của mình, Zenger và Folkman nói rằng 80% những gì chúng ta giao tiếp đến từ những dấu hiệu như thế. Điều này có nghĩa rằng bạn không chỉ lắng nghe bằng tai, mà còn bằng mắt của mình.

Cấp độ 5: Bạn hiểu cảm xúc và cảm giác của người nói và đồng cảm với họ. Đây là nơi sự thấu cảm bắt đầu.

Cấp độ 6: Bạn đặt những câu hỏi được thiết kế tốt để giúp người nói nhận ra một hay nhiều khả năng mới, hoặc thách thức một giả định của người nói. Điều quan trọng là bạn không nên cố chiếm ưu thế trong cuộc nói chuyện.

Là lãnh đạo, bạn phải sở hữu cả 6 cấp độ lắng nghe này và thực hành chúng thường xuyên nhất có thể. Sau mỗi cuộc họp hay nói chuyện xong với ai đó, bạn hãy nhanh chóng đối chiếu với danh sách này để xem bạn có kết hợp sử dụng chúng một cách nhuần nhuyễn chưa. Nếu chưa, hãy tự hỏi cấp độ nào bạn đã chưa làm tốt và tại sao, để lần tới bạn sử dụng chúng tốt hơn.

Lắng nghe và giao tiếp là những kỹ năng lãnh đạo vượt thời gian. Nhà biên dịch không chỉ biết thực hành chúng mà còn có thể tự điều chỉnh cùng với sự tiến hoá của các phương pháp, các công cụ lắng nghe và giao tiếp theo thời gian.

Để lại ý kiến của bạn về bài viết này

Tôi rất vui và cũng rất welcome những ý kiến đóng góp của bạn để bài viết được đa chiều hơn.

My phone

+84888111100

My email

daoxuanloc.buh@gmail.com